title Văn hóa - Xã hội

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số
Thứ năm, 25/05/2023, 15:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Ngày 25/5, Trường ĐH Luật TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số".

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của môi trường số và các thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, Hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số" là một diễn đàn khoa học mang tính thời sự và vô cùng cần thiết.

Toàn cảnh Hội thảo

 

"Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, luật sư, công chứng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý nói chung trao đổi những vấn đề lý luận, quy định pháp luật và khả năng áp dụng trong thực tiễn các quy định mới của Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó đưa ra những kiến nghị, góp ý có giá trị"- PGS.TS Bùi Xuân Hải nói.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser – Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM hy vọng Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023).

Theo bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đáp ứng nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người Việt Nam. Trong Nghị định số 13 mới được ban hành, cũng đã đưa ra các định nghĩa khá đầy đủ, mang lại phạm vi rộng. Có thể nói Nghị định 13 đã tạo ra hành lang, khung pháp lý đầy đủ, quan trọng để tiến tới ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

TS Nguyễn Thị Hoa, giảng viên Khoa Luật Quốc tế cho hay, trên thực tế, quyền của chủ thể có dữ liệu cá nhân đã được đề cập đến tại Bộ luật Dân sự 2015. Việc bổ sung và hoàn thiện những quyền này tại Nghị định 13 là một điểm mới tiến bộ và phù hợp với thực tế hơn.

Theo TS Hoa, hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho các mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng và không có sự đồng ý của khách hàng. Đó là các hành vi vi phạm quyền về dữ liệu cá nhân và cần được xử lý để bảo vệ cá nhân liên quan. Thực ra, việc ghi nhận quyền cho chủ thể của dữ liệu cá nhân chưa đủ để bảo vệ họ. Ở đây, pháp luật cần có biện pháp xử lý chủ thể khi các chủ thể này có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định 13 có quy định theo hướng vừa nêu.

Theo chuyên gia, Nghị định 13 là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; các vấn đề cơ bản trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được đề cập đến tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là việc cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, quyền của cá nhân đối với dữ liệu cá nhân của mình đã được khẳng định; các phương thức để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng được gợi mở.

Trong thời đại hiện nay, đồng thời với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số" là diễn đàn để các nhà khoa học, luật sư, công chứng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý nói chung trao đổi những vấn đề lý luận, quy định pháp luật và khả năng áp dụng trong thực tiễn các quy định mới của Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó đưa ra những kiến nghị, góp ý có giá trị.

Minh Dung

Tin mới hơn
Tin đã đưa