title Kinh tế - đô thị

Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản về nhà ở xã hội
Thứ ba, 28/03/2023, 16:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Sáng 28/3, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội". Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai cùng các chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản; một số công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Quang cảnh hội thảo

Nhu cầu về nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu NOXH cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ; trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Việc phát triển NOXH, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030". Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án NOXH nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất… 

Liên quan đến NOXH, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).

Tại TPHCM, khẳng định chương trình phát triển nhà ở, nhất là NOXH là công việc lớn của TP, Đến năm 2030, TPHCM dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn NOXH, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà, trong đó giai đoạn 2021-2025, TP sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà). 

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nêu 7 khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển NOXH. Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận; Vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi; Vướng mắc liên quan đến quỹ đất; Vướng mắc về nguồn vốn; Giới hạn về lợi nhuận của các dự án NOXH; Vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục mua, thuê NOXH; Một số vấn đề khác.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia phát triển NOXH đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư NOXH. Vướng mắc đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Một vấn đề khác là thủ tục chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các cơ quan liên quan rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời. Mức lãi suất cho vay xây dựng NOXH còn quá cao…

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TPHCM, cũng nhìn nhận có nhiều vướng mắc trong phát triển NOXH tại TP. Lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật. Chính sách thì có nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án NOXH.

Ông Hồ cho biết, dự án NOXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán này xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua NOXH, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển NOXH cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu NOXH cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển NOXH.

Kiến nghị, giải pháp phát triển NOXH

Các đại biểu cho rằng NOXH là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NOXH đạt mục tiêu đề ra, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội. 
TS Cấn Văn Lực nêu 6 kiến nghị, giải pháp chính. Trước tiên là cần quán triệt, thống nhất quan điểm, coi đây là “chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản về NOXH.

Hai là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý: Ban hành nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển NOXH. Các nội dung quan trọng trong các nghị quyết, đề án về phát triển NOXH cần được luật hóa, nhất quán trong các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). 

Ba là Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Bốn là cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển NOXH. Năm là phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về NOXH. Sáu là ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách NOXH.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về NOXH, trong đó có xác định đối tượng NOXH. Người lao động chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua NOXH, nhưng thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.

Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà trọ cho công nhân, người lao động là rất lớn nhưng đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở. 

Để giải quyết câu chuyện về NOXH, cần phải đột phá về quỹ đất, chính sách tín dụng, đối tượng, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Phạm Đăng Hồ cho hay, trên cơ sở rà soát các vướng mắc, TPHCM đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án NOXH rõ ràng các bước ở các cơ quan để TP kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành. TP cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển NOXH, ông Hồ nói.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014. 

Nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm nay, Bộ Xây dựng sẽ trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở.

Đối với các ý kiến về nguồn vốn, ông Hưng cho rằng thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Ông cho biết, gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm được triển khai để tăng nguồn lực phát triển NOXH.

Minh Thư

Tin mới hơn
Tin đã đưa