title Văn hóa - Xã hội

Giải pháp “đào tạo kết hợp” (Blended learning) trong xu hướng chuyển đổi số giáo dục
Thứ tư, 29/03/2023, 16:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Sáng ngày 29/3, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đào tạo theo định hướng Blended learning (đào tạo kết hợp) trong bối cảnh mới”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM, cho biết Hội thảo nhằm xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ các viện, các trường đại học, cao đẳng trong việc đào tạo theo định hướng Blended learning. 

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhiều bài tham luận đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật. Những bài tham luận xoay quanh các thực trạng, các kinh nghiệm quốc tế, các yêu cầu về nguồn lực nhằm phát triển đào tạo định hướng Blended learning. Đây là cơ sở khoa học để đưa ra các khuyến nghị, chính sách, giải pháp phát triển đào tạo theo định hướng Blended learning tại Việt Nam và TPHCM, đáp ứng yêu cầu của phát triển xã hội học tập, giáo dục mở và sự phát triển giáo dục hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

TS Phan Thị Ngọc Thanh, Trường Đại học Mở TPHCM trình bày báo cáo "Tổng quan về các mô hình đào tạo kết hợp (Blended learning) và kinh nghiệm triển khai đào tạo kết hợp"

Mô hình học tập kết hợp hay còn gọi là đào tạo kết hợp (Blended learning) là “việc kết hợp phương thức học tập điện tử (e-Learning) với phương thức dạy - học truyền thống (theo đó người dạy và người học cùng có mặt) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục”. Trong đó “Học tập điện tử (e-Learning) là hình thức học tập, qua đó người học có thể tự học mọi lúc, học mọi nơi thông qua các học liệu điện tử đa phương tiện (lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, đồ họa,…). Các hình thức học tập như m-Learning (học thông qua thiết bị di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình tương tác), u-Learning (học thông qua các phương thức tương tác thực tế ảo diễn ra bất kỳ nơi nào), hay smart-Learning (phương tiện học tập thông minh) đều là các hình thái của học tập điện tử e-Learning”.

Các nhóm chuyên đề của Hội thảo xoay quanh nội dung: Thực trạng và kinh nghiệm thực tiễn đào tạo theo định hướng Blended learning của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam; Các yêu cầu về nguồn lực (hạ tầng, nhân lực,…) để đáp ứng khả năng phát triển đào tạo theo định hướng Blended learning tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, cho TPHCM để phát triển đào tạo theo định hướng Blended learning.

Theo TS. Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Trực tuyến, Trường Đại học Mở TPHCM thì khái niệm Blended learning có lẽ cũng không còn mới mẻ tại Việt Nam. Mô hình giáo dục Blended learning đã được nhiều cơ sở giáo dục đưa vào giảng dạy, đặc biệt là những cơ sở giáo dục cấp đại học (ĐH). Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo online tối đa 30% trong chương trình đào tạo ở bậc ĐH và sau ĐH, do đó phương pháp Blended được sử dụng rộng rãi ở các trường ĐH hiện nay. Mô hình này được phát triển dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ số trong dạy học giúp người học rèn luyện ý thức tự học, tính chủ động trong việc lựa chọn không gian học, thời gian học, hạn chế được phần nào nhược điểm của mô hình dạy và học theo phương thức truyền thống. Hiện nay việc ứng dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc ĐH là một lựa chọn hợp lý, ngoài việc phát huy được các lợi thế của lớp trẻ khi tham gia học, mô hình còn giúp người dạy có thể linh động và đa dạng hơn các phương pháp giảng dạy để thu hút người học. Vì vậy “Đào tạo kết hợp” là xu hướng phát triển của thế giới khi ngày càng nhiều các trường đại học áp dụng mô hình này. “’Đào tạo kết hợp” sẽ rất thuận lợi cho việc thúc đẩy toàn cầu hóa giáo dục thông qua các chương trình liên kết giữa các ĐH Việt Nam và các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Đồng thời mở rộng cơ hội bình đẳng trong giáo dục và thúc đẩy quá trình học tập suốt đời.

Các đại biểu cũng thừa nhận xu hướng dạy và học theo mô hình trực tuyến là một xu thế tất yếu trong tương lai, do đó việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân sự giảng dạy phục vụ cho mô hình Blended learning cũng là một yếu tố để phục vụ cho học tập trực tuyến trong tương lai. Để áp dụng thành công mô hình Blended learning trong dạy học ngoài sự đầu tư, thay đổi từ nhà trường, người dạy thì yếu tố chính vẫn là do bản thân của người học, người học cần phải thay đổi nhận thức của bản thân, tìm ra phương pháp tự học cho phù hợp để phát huy hết tác dụng của mô hình Blended learning.

Minh Dung

 

Tin mới hơn
Tin đã đưa