title Kinh tế - đô thị

Đầu tư công cần phải là vốn mồi để thu hút vốn xã hội, tạo động lực phát triển
Thứ bảy, 24/07/2021, 15:01 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Sáng 24/7, Quốc hội thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ vừa trình Quốc hội.

Đoàn ĐBQH TPHCM sáng 24/7

 

Chính phủ dự kiến tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Thảo luận về nội dung này, tại tổ TPHCM, nhiều ý kiến đồng tình với phương án Chính phủ trình nhưng lưu ý một số vấn đề. Các ý kiến đều cho rằng, vốn đầu tư công cần tiếp tục bảo đảm tính chủ đạo, mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút, lan tỏa vốn xã hội. Không nên phân bổ dự án đầu tư công một cách dàn trải mà nên tập trung những dự án, những địa bàn trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực. Đầu tư hạ tầng cần ưu tiên những dự án có tính kết nối vùng, giúp cho thúc đẩy xuất khẩu, để các vùng đều có thể đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu,…

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nêu ý kiến, các dự án lớn, liên vùng thì phải trình Quốc hội. Nhưng đề nghị thí điểm để một số địa phương trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… được tự chịu trách nhiệm làm một số dự án cần thiết, phù hợp với thực tiễn địa phương. Những dự án đó có thể địa phương tự phê duyệt đầu tư, như vậy cũng đỡ gánh nặng phê duyệt dự án cho Chính phủ.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội thảo

 

Phát biểu tại tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc phân bổ dự án đầu tư cần bố trí khoa học, tính toán chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất, đóng góp cho sự phát triển. Theo ông, nhu cầu đầu tư của chúng ta là rất lớn, nên cần tìm kiếm, huy động thêm các nguồn lực cả trong và ngoài nước. Chú trọng cân đối đầu tư, ưu tiên đầu tư vùng có khả năng tạo động lực, bởi đầu tư hiệu quả thì kinh tế sẽ tăng trưởng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đầu tư thỏa đáng cho phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, khi triển khai các dự án đầu tư công, cần làm tốt khâu giải phóng mặt bằng, tránh tình trạnh khâu này làm chậm dự án. Muốn thể phải bảo đảm công khai minh bạch trong bồi thường cho người dân, tạo đồng thuận cao cho nhân dân…

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, đầu tư công có mối quan hệ với nợ công, nợ chính phủ, vay nước ngoài, do đó kế hoạch tài chính phải được thống nhất theo các tiêu chí, phải khống chế mức nợ công, nợ nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch hiện nay, ngân sách phải bảo đảm cho an sinh xã hội.

Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn tới, cần nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, quan trọng nhất là khâu giải phóng mặt bằng, phải tạo đồng thuận trong dân, bảo đảm quy hoạch, bảo đảm mức đền bù theo giá thị trường. “Cốt lõi khi triển khai dự án đầu tư công vẫn là vấn đề giá đất khi bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là công tác đấu thầu, thi công…”, ĐB nói. Bên cạnh đó là phải tính toán đầu tư vào đâu để tạo động lực lớn nhất, sinh lời nhanh nhất để tạo tính lan tỏa, bảo đảm tăng trưởng.

 

ĐB Trần Hoàng Ngân tại hội thảo

 

ĐBĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị vốn đầu tư công ưu tiên lần lượt cho các dự án: an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19. “Hiện nay biến thể của virus liên tục thay đổi, chúng ta chưa biết còn ứng phó bao lâu. Cần chú ý đầu tư cho lực lượng y tế, họ là những người đang phải hy sinh rất nhiều trong công cuộc này. Nhiều người cha mẹ mất còn không về chịu tang được, nên phải ưu tiên cho gia đình của họ, tiêm vaccine cho gia đình của các cán bộ y tế để họ yên tâm cống hiến”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. Song song đó là cần gói đầu tư đủ lớn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp “3 tại chỗ” để sản xuất thì Nhà nước phải hỗ trợ họ, không để doanh nghiệp xoay xỏa một mình. Cần 1 gói hỗ trợ đủ mạnh cho oanh nghiệp, vì nếu không khó bảo đảm nguồn thu.

ĐB cũng cho rằng, TPHCM có vai trò đầu tàu, nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng dự kiến đầu tư công của Trung ương phân bổ cho TPHCM chỉ khoảng 155.000 tỷ đồng là rất ít, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM. Đề nghị quan tâm phân bổ đầu tư công nhiều hơn cho TPHCM, nhất là các dự án trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4 để tạo phát triển liên vùng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa, TPHCM kiến nghị, phải bảo đảm đầu tư công là vốn mồi; cân đối đầu tư giữa các vùng. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch khó lường hiện nay, cần tính đến tình huống Việt Nam bị gián đoạn với thế giới, tức là Việt Nam phải tự cung tự cấp, “như vậy chúng ta phải dự phòng các “an toàn khu” cho mình, đảm bảo sản xuất để tự lo cho mình và cũng tăng trưởng được”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

 

 

Nguồn: Website Thành ủy

Tin mới hơn
Tin đã đưa