Các huyện phát triển đô thị phải gắn với thực tiễn điều kiện tự nhiên
3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm
(HCM CityWeb) – Sáng 8/3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, Đề án “Đầu tư - xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030”, thuộc chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2025.
Để có cơ sở xây dựng Đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố đến năm 2030 mang tính bền vững, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND 5 huyện xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2021-2030, qua đó đề xuất các chương trình, kế hoạch và dự án đầu tư để cải thiện các tiêu chí phân loại đô thị còn thiếu đến năm 2030.
Kết quả đối chiếu các tiêu chí phân loại đô thị của 5 huyện, đến năm 2030, hầu hết 5 huyện ngoại thành đều không đạt tiêu chí đô thị loại 1 (lên đơn vị hành chính cấp quận), do tiêu chí khá cao, nhất là vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt tiêu chí cấp phường (riêng huyện Hóc Môn dù đạt gần 74,75 điểm so yêu cầu 75 điểm, nhưng vướng diện tích tự nhiên thấp (109/150 km2) và số đơn vị hành chính thấp (7/10)).
Tiêu chí đơn vị hành chính cấp TP thuộc TP cho phép giữ lại 1 số xã nông nghiệp 35% trong tổng số (như khu vực ngoại thành của thành phố mới), trong khi lên quận yêu cầu 0% xã nông nghiệp. Mô hình này phù hợp các huyện còn nhiều diện tích đất nông nghiệp như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh.
Qua đánh giá, huyện Nhà Bè đang dần tiệm cận với đô thị loại II, huyện Bình Chánh gần đạt đô thị loại III; 3 huyện còn lại đều có khả năng phấn đấu vươn tới đạt được đô thị loại III vào năm 2030, theo lộ trình đầu tư khắc phục những tiêu chí còn thiếu (như huyện Bình Chánh, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề về giao thông kết nối). Vì vậy, nhìn chung, đề án chuyển đổi của 5 huyện, hầu hết đều hướng đến mô hình thành phố trong thành phố vào năm 2030.
Theo định hướng phát triển 5 huyện đến năm 2030, huyện Củ Chi sẽ tập trung phát triển thành đô thị sinh thái, thông minh, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Ưu tiên phát triển Công nghiệp chế biến, Nông nghiệp công nghệ cao và Du lịch sinh thái, qua đó tạo động lực phát triển huyện Củ chi mang tính bền vững trong thời gian tới.
Huyện Hóc Môn sẽ phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và trở thành một đô thị sinh thái trong tương lai. Hóc Môn phát triển thành vành đai xanh của TP, có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống kết hợp quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đào tạo lao động trẻ, mở rộng thị trường và gắn kết với du lịch và đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TPHCM – Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch.
Huyện Bình Chánh sẽ hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa và hỗ trợ cho sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và cả đồng bằng Sông Cửu Long, với định hướng phát triển huyện Bình Chánh thành trung tâm đô thị công nghiệp của phía Tây khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với đầy đủ đặc tính của một đô thị công nghiệp hiện đại, tuân thủ theo chiến lược phát triển bền vững (xanh, tuần hoàn), liên kết các khu công nghiệp với nhau (dưới dạng cộng sinh, tuần hoàn), song song với chiến lược giải quyết ô nhiễm môi trường trên địa bàn và ngăn chận nguy cơ ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
|
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Huyện Nhà Bè sẽ phát triển trở thành thành phố thông minh, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh về giáo dục, y tế chất lượng cao; công nghệ tiên tiến; du lịch xanh; đóng vai trò đầu mối về giao thông hàng hóa xuất nhập khẩu là logistics trong và ngoài nước, tập trung tái cơ cấu ngành thương mại – dịch vụ, là ngành kinh tế chủ lực của Nhà Bè hiện nay và trong tương lai; đồng thời cần bảo tồn, phát triển yếu tố truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường, qua đó góp phần giảm áp lực về mật độ dân số, hạ tầng giao thông, an ninh trật tự, chăm lo an sinh xã hội cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Huyện Cần Giờ sẽ phát triển để từng bước trở thành thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; phát triển trở thành thành phố hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Phát triển huyện Cần Giờ với định hướng trở thành Khu đô thị biển, du lịch sinh thái nghỉ ngơi và giải trí.
UBND TPHCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương cần có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế, thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của TPHCM nói chung và 5 huyện nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ có cơ chế đột phá cho TPHCM. Xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo các tiêu chí tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn; đặc biệt đối với các xã của các huyện có đông dân cư, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế đột phá hơn nữa về chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo ở cả nước nói chung trong đó có cơ chế đột phá thí điểm cho TPHCM để tạo nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng xu thế công nghệ của thế giới và đây là tiền đề cho TPHCM nói chung và 5 huyện nói riêng mở ra cơ hội bứt phá, phát triển tăng trưởng ngoạn mục và nhằm hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội số và quản trị số hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, ở thời điểm hiện tại, chưa bàn đến việc huyện nào lên quận, huyện nào lên thành phố, mà chỉ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại 3.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng các huyện phát triển đô thị phải gắn với thực tiễn điều kiện tự nhiên và lưu ý chiến lược phát triển đô thị của từng huyện phải có sự khác biệt rõ ràng, phù hợp đặc điểm địa phương. Trong đó, Cần Giờ phát triển theo hướng đô thị sinh thái nghỉ dưỡng. Hóc Môn chủ yếu là đô thị sinh thái gắn với dịch vụ (y tế, văn hóa, vui chơi, giải trí, logistics). Nhà Bè theo hướng đô thị sông nước, đô thị cảng. "Đô thị nào gắn với thực tiễn đó, không thể khác được", Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi cần phát triển theo hướng khu đô thị phức hợp, là khu vực tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho những khiếm khuyết của đô thị trung tâm, như công viên chuyên đề, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện…
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng lưu ý, các huyện, các ngành liên quan đến 5 đề án nhánh, nghiên cứu những đề án nhánh khác để bổ sung và đề nghị các huyện chuyển thành chỉ tiêu phấn đấu để đạt các chỉ tiêu phát triển về dân số, văn hoá, trường học… Trong các chỉ tiêu kinh tế, cần chú ý chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn chỉ tiêu về nông nghiệp giữ ổn định. Đề nghị các huyện phấn đấu lên đô thị loại III, nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội phải đạt đô thị loại I, hình thành đô thị không gian mới, không lãng phí… Đồng thời, các huyện cũng cần nghiên cứu cơ chế chính sách để huy động nguồn lực để xây dựng đô thị ở các huyện, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào đô thị. Quy hoạch chú ý quy hoạch hạ tầng kết nối.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai và căn cứ đề án nhánh để hoàn thiện đề án của địa phương, trình Ban Thường vụ Huyện ủy và gởi về UBND TPHCM trước ngày 25/3/2023. Các sở ngành, 5 sở liên quan tiếp tục hoàn thiện Đề án, tập hợp số liệu, rà soát, hoàn thiện gởi Sở Nội vụ tổng hợp và giao Sở Nội vụ hoàn thiện đề án chung và tờ trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trước ngày 30/3/2023.
ZUKI
- Quận 1: Phong trào thi đua, khen thưởng luôn gắn với thực tiễn cuộc sống (15/03)
- Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM (15/03)
- Kiểm tra, rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính (14/03)
- Nâng cao trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính (13/03)
- Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3 (08/03)
- Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục liên quan “Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài” (08/03)
- Ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (06/03)
- Phê duyệt 13 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ (03/03)
- Phê duyệt 12 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của UBND TP Thủ Đức, quận, huyện (03/03)
- Công bố 3 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế (03/03)