Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học
Văn hóa - Xã hội
(HCM CityWeb) - Ngày 17/3, tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), báo Tiền Phong tổ chức cuộc tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra nguy cơ lộ, lọt thông tin cũng như cách thức tội phạm đánh vào tâm lý phụ huynh trong các vụ lừa đảo “con đang cấp cứu” thời gian qua.
|
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, thời gian qua, nhiều phụ huynh ở TPHCM liên tục nhận được những cuộc điện thoại mạo danh giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bệnh viện báo tin học sinh bị tai nạn đang ở bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để cấp cứu. Không ít phụ huynh đã mắc bẫy và hiện tại cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
Không chỉ xảy ra tại TPHCM, tình trạng lừa đảo còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Long An, Đà Nẵng… và nhiều địa phương khác, gây hoang mang trong môi trường học đường.
Vì vậy, báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường, an ninh trong xã hội.
|
Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh Phòng Cảnh sát hình sự CA TPHCM chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Chia sẻ tại tọa đàm, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, cho biết hiện tại mỗi ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM tiếp nhận từ 20-30 đơn tố cáo, phản ánh... các vụ việc lừa đảo. Số tiền cơ quan chức năng thống kê từ các vụ lừa đảo lên đến hơn 5 tỷ đồng. Gần đây nhất là phản ánh thủ đoạn dùng điện thoại để thông báo cho phụ huynh việc con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thống kê từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TPHCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo, tổng số tiền lên đến 825 triệu đồng. Không chỉ tại TPHCM, hiện nay chiêu lừa "con cấp cứu" đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành.
Đáng nói, các đối tượng lừa đảo đưa ra thông tin không đúng sự thật, lấy danh học sinh, người thân; mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ... để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đánh giá về lỗ hổng thông tin, Đại úy Thịnh nhận định, các đối tượng sử dụng nhiều cách để khai thác thông tin cá nhân. Trong số này, có 20% thông tin bị lộ do các doanh nghiệp và 80% do chính cá nhân tự để lộ. Đặc biệt là thế hệ gen Z hiện nay hầu hết đều có tài khoản TikTok có thể cho phép truy cập danh bạ để lấy thông tin danh bạ gia đình, hoặc “dính” mã độc trong quá trình truy cập mạng. Do đó, người dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần hết sức cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt không đưa hình căn cước công dân có mã QR lên mạng.
Chia sẻ tại tọa đàm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay, ngay từ ngày đầu trường đã gửi thư khẩn cảnh báo phụ huynh và học sinh tránh nguy cơ bị lừa.
"Chúng tôi đã cảnh báo cho phụ huynh thấy được tại sao lại có những cú lừa ngoạn mục và chỉ ra chúng thường gọi cho đối tượng nữ, vì thường rất dễ mất bình tĩnh. Chúng đánh vào tâm lý tình mẫu tử, đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục", thầy Phú nói.
Thầy Phú cảnh báo phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, có những biện pháp để kiểm chứng thông tin, chẳng hạn yêu cầu đối tượng gọi video call hoặc cung cấp hình ảnh học sinh bị tai nạn.Trên thực tế, tình trạng thiếu thông tin là vấn đề chung các phụ huynh đang gặp phải. Khi học sinh hay bất kỳ công dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. “Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo”, thầy Phú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TPHCM nêu quan điểm, đối với tình trạng lừa đảo nhắm vào phụ huynh, việc cần nhất là làm tốt khâu tương tác, kết nối giữa nhà trường và phụ huynh. Ông Độ cũng chỉ ra rằng không ít trường hợp chính phụ huynh làm lộ thông tin bằng cách khoe con, khoe bằng khen của con lên Facebook, Zalo. Từ đó vô tình tiết lộ đầy đủ thông tin con mình học trường nào, lớp nào. Do đó, các bậc cha mẹ nên hạn chế đưa những thông tin này lên mạng.
Đồng thời, phụ huynh cần bình tĩnh hơn vì nhiều trường hợp tin nhắn mạo danh thầy cô đầy lỗi chính tả nhưng phụ huynh vẫn dễ dàng tin. Phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi có chuyện liên quan đến con em mình. Nếu làm tốt khâu quan hệ giữa gia đình và nhà trường thì không đối tượng nào lừa đảo được.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena - cho hay, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận trên 5.000 cuộc tấn công an ninh mạng. Những cuộc tấn công đó không giới hạn về biên giới, có thể đến từ nước ngoài. Chúng lợi dụng nhiều góc độ của người dùng mạng để tấn công như sự hiểu biết, biến đổi công nghệ, phát triển của công nghệ (AI, mã hóa…).
Vì thế, các trường học hiện nay ngoài việc đưa người giỏi vào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn cần thiết phải xử lý thông tin bằng mã hóa. "Nếu thông tin đã được mã hóa thì có lấy được cũng không dùng được", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng khuyên gia đình và nhà trường phải tăng cường sức đề kháng cho chính học sinh bằng những chương trình huấn luyện chống tội phạm công nghệ cao. Các trường phải có từng chương trình đưa ra các tình huống cụ thể, thiết thực để học sinh tự bảo vệ mình trước những rủi ro. Do đó, phải thường xuyên có những chương trình huấn luyện để học sinh thấy được cạm bẫy trên không gian mạng, thấy được việc chơi TikTok, chơi game tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ gì. Từ đó, các em mới có sức đề kháng, có những phương pháp phòng ngừa giúp bản thân an toàn hơn trên không gian mạng.
Minh Dung
- UEH triển khai chương trình tập huấn giảng dạy STEM cho giáo viên và học sinh phổ thông (20/03)
- Trao 440 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn (19/03)
- Trường Đại học Quốc tế trao 10 suất học bổng cho Thành đoàn TPHCM (19/03)
- Ngày hoạt động cao điểm tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (19/03)
- Báo chí tích cực đưa các chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền Thành phố vào cuộc sống (17/03)
- Đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên trở lại TPHCM (17/03)
- Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận cho hơn 1.100 trường hợp (16/03)
- Nhiều hoạt động văn hóa sẽ diễn ra chào mừng quan hệ ngoại giao Pháp - Việt Nam (16/03)
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM gặp mặt chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo (16/03)
- Trang trí đèn nghệ thuật ánh sáng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (16/03)